DIỄN VĂN ÔN LẠI TRUYỀN THỐNG 70 NĂM THÀNH LẬP

ĐẢNG BỘ XÃ HOẰNG CÁT ( 08/1953 - 08/2023 ).

 
 

 

 


Trong không khí toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng 78 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 – 19/8/2023) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2023); Hôm nay, Đảng bộ và Nhân dân xã Hoằng Cát long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đảng bộ xã Hoằng Cát, tiền thân là Chi bộ Hóc Môn (8/1953-8/2023);

Để có được những thành quả to lớn như ngày hôm nay, trong buổi lễ này, chúng ta tỏ lòng thành kính tưởng nhớ và biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, lãnh tụ kính yêu của dân tộc, Người đã suốt đời “hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân” và khi  đã đi xa Người, đ㠓để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tộc ta”. 

Chúng ta tưởng nhớ biết bao thế hệ những chiến sĩ cộng sản kiên cường, những đồng chí lãnh đạo xuất sắc của Đảng bộ và nhân dân nhà; thành kính tưởng nhớ anh linh các anh hùng liệt sĩ - những người con Hoằng Cát đã trọn đời hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Chúng ta đời đời ghi nhớ công ơn các thế hệ cha anh; quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, tiếp tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang mà các thế hệ  cha anh đã dày công vun đắp và xây dựng.

          Với niềm tự hào sâu sắc, chúng ta cùng nhau ôn lại chặng đường lịch sử vẻ vang 70 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ xã Hoằng Cát, tiền thân là Chi bộ Hóc Môn, với bề dầy lịch sử, văn hoá, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng.

          Kính thưa toàn thể các đồng chí và các quý vị đại biểu!

          Xã Hoằng Cát là xã đồng bằng ở phía Tây Bắc của huyện Hoằng Hoá, cũng như bao miền quê của đất nước Việt Nam, Hoằng Cát là miền quê giàu truyền thống lao động, yêu nước và cách mạng. Gắn bó với quê hương Hoằng Hóa, tỉnh Thanh, với Tổ quốc Việt Nam từ ngàn đời. Trải qua những tháng năm lịch sử, từ bao đời nay Hoằng Cát luôn hoà cùng dòng chảy dân tộc: Khai điền lập làng, chiến đấu bảo vệ, xây dựng và phát triển. Ở mỗi thời kỳ lịch sử đều tạo được nét riêng biệt của làng quê mình và góp phần tạo ra những giá trị văn hóa đặc sắc tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

          Nhìn lại quá khứ, con người đã đặt chân đến Hoằng Cát trú ngụ, sinh sống, lập nghiệp từ khá sớm, hình thành những cộng đồng dân cư. Trải qua những thăng trầm, biến thiên của lịch sử, cũng như các miền đất khác của nước ta, địa danh Hoằng Cát có nhiều thay đổi về tên gọi và địa giới hành chính. Vào giữa đời vua Gia Long đầu thế kỷ XIX, các làng Cát Trung, Cát Thôn thuộc xã Hoằng Xuyên, Làng Mao An, Phú An (thuộc Nam Thọ, Đức Thành ngày nay) thuộc xã Phú Yên, tổng Mỹ Hóa, huyện Hoằng Hóa, phủ Hà Trung. Năm 1924, tổng Mỹ Hóa giải thể, đổi thành tổng Dương Thủy, thuộc huyện Hoằng Hóa. Như vậy, trước cách mạng tháng Tám năm 1945, Hoằng Cát cơ bản định hình 4 làng là: Cát Thôn, Cát Mao, Phú Mao, Cát Trung.

Cũng từ buổi khai cơ lập nghiệp đến nay, Hoằng Cát đã có trên 30 dòng họ khác nhau, đông nhất là họ Lê, họ Nguyễn, họ Đặng, họ Hồ, họ Nhữ…

Về tên gọi và địa giới hành chính, từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay cũng liên tục có những sự biến đổi.

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ở Hoằng Cát chính quyền cách mạng tại các làng Cát Thôn, Cát Mao; Phú Mao được thành lập.

Tháng 4/1946, bầu cử Hội đồng nhân dân và thành lập Ủy ban hành chính các cấp, cấp tổng bị giải thể, thành lập đơn vị hành chính cấp xã.

Đầu năm 1947, thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy Hoằng Hóa về việc ghép các xã trong huyện thành 12 xã lớn, các làng của xã Hoằng Cát, cùng các làng của Hoằng Xuyên, Hoằng Khê (cũ) lập thành xã Mỹ Xuyên, sau gọi là xã Hoằng Xuyên (lớn).

Tháng 7 năm 1953 thực hiện chủ trương cải cách đơn vị hành chính, xã Hoằng Xuyên được chia thành, lúc này các làng Cát Trung, Cát Thôn, Cát Mao và Phú Mao, thuộc xã Hoằng Cát. Tên gọi xã Hoằng Cát xuất hiện từ đây và địa giới hành chính được ổn định cơ bản như ngày nay.

Trong thời kỳ xây dựng Hợp tác xã toàn xã, đơn vị hành chính của xã thay đổi, các làng được chia thành các đội sản xuất, đơn vị hành chính ở các thôn chia thành đội, Hoằng Cát lúc này có 12 đội. Cụ thể:

Làng Chòm  có 02 đội (đội 1,2).

Làng Cát có 06 đội (đội 3,4,5,6,7,8).

Làng Mau có 04 đội (đội 9,10,11,12).

Đầu năm 1990, sau khi Hợp tác xã Nông nghiệp toàn xã và các đội sản xuất giải thể, các làng lại trở lại tên gọi như trước với đơn vị hành chính là các thôn gồm Nam Bình, Nhị Hà, Cát Nội, Ba Đình, Nam Thọ, Đức Thành. Toàn đảng bộ có 8 chi bộ gồm 6 chi bộ thôn và 2 chi bộ trường học.

Thực hiện Quyết định số 3110/QĐ-UBND, ngày 17/8/2018 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc sáp nhập thôn, phố. Hoằng Cát đã thực hiện sáp nhập thôn Nhị Hà và Cát Nội thành thôn Hà Nội.

Hiện nay, xã có 05 thôn gồm: Nam Bình, Hà Nội, Ba Đình, Nam Thọ, Đức Thành. Toàn đảng bộ có 11 chi bộ gồm 5 chi bộ thôn và 3 chi bộ trường học, 1 chi bộ Trạm y tế, 1 chi bộ HTX, và 1 chi bộ Công an..

Dù mỗi thời kỳ có sự phân chia đơn vị hành chính với những tên gọi khác nhau để phù hợp với nhiệm vụ thực tiễn, tuy nhiên về mặt tổng thể các làng, xóm ở xã Hoằng Cát là các làng Chòm, Làng Cát, Làng Mau vẫn cơ bản như xưa, 03 làng được phân bố dọc đê Tả Lạch trường, phía sau làng là đường Quỳ Xuyên. Thống nhất với nhau và cùng song hành phát triển trong các giai đoạn lịch sử, nhưng mỗi làng cũng có những đặc điểm riêng mà người Hoằng Cát đã định hình nên trong quá trình lịch sử.

Như vậy, mỗi tên làng, tên đất trong các thời kỳ lịch sử, của dòng chảy thời gian đều mang một dấu ấn vẻ vang. Để có được những thành tựu lớn hiện tại, người dân Hoằng Cát không bao giờ quên được đó là nhờ công lao khai phá của tổ tiên ông cha  xưa để lại. Có thể khẳng định, trên vùng đất Hoằng Cát con người đã đến khai phá từ khá sớm. Ngày nay, người dân nơi đây dù đi đâu, ở đâu cũng nhớ mình là người Hoằng Cát, quê hương đất mẹ yêu thương thuộc huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa của Tổ quốc Việt Nam.

 

Kính thưa toàn thể các đồng chí và các quý vị đại biểu!

Nhìn lại quá khứ, trước năm 1930, tại Hoằng Hóa đã có các tổ chức tiền thân cách mạng của Đảng như: Tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng  đồng chí hội được xuất hiện đầu tiên ở thôn Cự Đà xã Hoằng Minh chỉ cách Hoằng Cát một con sông Lạch Trường; Tổ chức Tân Việt cách mạng  Đảng có cơ sở đầu tiên tại làng Phú Khê cũng chỉ cách Hoằng Cát một xứ đồng. Hai tổ chức này ra đời đã đáp ứng được xu thế khách quan của lịch sử, tập hợp những nhân sĩ có tâm huyết với cách mạng trong vùng. Thổi làn gió mới vào đời sống xã hội, hâm nóng bầu nhiệt huyết của quần chúng lao động trong đó ảnh hưởng rất quý giá với thanh niên trí thức và người dân lao động vùng Xuyên, Cát, Khê làm nền tảng chính trị và tổ chức cho việc ra đời chi bộ Đảng cộng sản tại Hoằng Hóa về sau.

Ngày 3 tháng 2 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đưa cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới. Ngày 29 tháng 7 năm 1930, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa thành lập, trong đó có vai trò của đồng chí Nguyễn Doãn Chấp - người xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa là người chắp nối, xây dựng.

Tháng 9 năm 1930, Chi bộ Đảng đầu tiên tại Hoằng Hóa ra đời tại thôn Cự Đà, xã Hoằng Đức do đồng chí Lê Hữu Lập khởi xướng và đồng chí Lê Viết Phồn làm Bí thư đầu tiên. Mặc dù sớm bị địch khủng bố và tan rã, nhưng ảnh hưởng của Đảng đã được nhen nhóm, làm cơ sở cho đường lối cứu nước theo khuynh hướng vô sản được ươm mầm trên quê hương Hoằng Hóa, trong đó có các làng xã Hoằng Cát.

Trong những năm 1943 - 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Minh huyện cử đồng chí Hoàng Minh Việt (tức Hoàng Văn Long) về vùng Xuyên, Cát, Khê nắm tình hình, bắt liên lạc với các nhân sĩ, trí thức có xu hướng tiến bộ để gây dựng cán bộ nòng cốt cho phong trào. Ông Đặng Bình Phụ, ông Nguyễn Đình Duyến làng Phú Mao, bà Trịnh Thị Diệu, làng Đại Khê được lựa chọn đầu tiên. Tiếp đến cán bộ Việt Minh huyện về tập hợp thêm các ông Nguyễn Hữu Dụng, Đặng Văn Phôi bổ sung cho lực lượng cán bộ Việt Minh vùng Xuyên, Cát, Khê. Ông Đặng Bình Phụ được cử làm Chủ tịch Việt Minh, ông Đặng Văn Phôi chỉ huy lực lượng tự vệ xã.

Trên cơ sở đó, phong trào Việt Minh của xã ra đời và phát triển. Mặc dù bị địch phát hiện và khủng bố, nhưng dưới ảnh hưởng của phong trào đấu tranh cách mạng ngày càng lớn mạnh của huyện. Đến giữa năm 1945 phong trào vận động nhân dân tham gia lập các Hội Cứu quốc trong các làng xã tiếp tục phát triển mạnh, lúc này toàn xã đã có hơn 100 hội viên trong các hội cứu quốc như Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc. Dưới sự lãnh đạo của Ban Việt Minh huyện.

Đầu tháng 7/1945, phong trào Việt Minh Hoằng Hóa dâng cao mạnh mẽ. Từ những cuộc đấu tranh của nhân dân khắp cả huyện, trong đó có xã Cát Xuyên đã tạo ra thời cơ để dẫn tới khởi nghĩa 24/7/1945 giành thắng lợi trọn vẹn và táo bạo. Thành công của cuộc khởi nghĩa ngày 24/7/1945 trở thành một mốc son tươi thắm, đánh dấu sự đổi đời của nhân dân Hoằng Hóa nói chung và nhân dân Hoằng Cát nói riêng, từ thân phận nô lệ, mất nước, trở thành người làm chủ. Chính quyền về tay nhân dân, mở ra kỷ nguyên mới: độc lập dân tộc, gắn liền với CNXH, góp phần xứng đáng vào sự thành công của cách mạng tháng Tám năm 1945.

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, tại các địa phương trong huyện, ở Hoằng Cát chính quyền cách mạng tại các làng được thành lập, làng Chòm (Cát Trung) do ông Kiểm Tiệu phụ trách; làng Cát Thôn do ông Phạm Thế Am phụ trách; làng Cát Mao do ông Đặng Hữu Dụng phụ trách; làng Phú Mao do ông Nguyễn Đình Duyến phụ trách, tiến hành tịch thu giấy tờ, sổ sách, tài liệu, con dấu và tuyên bố giải tán bộ máy thống trị cũ.

Tháng 4/1946, bầu cử Hội đồng nhân dân và thành lập Ủy ban hành chính các cấp, cấp tổng và thôn bị giải thể, đơn vị hành chính cấp xã được thành lập, do ông Đặng Hữu Dụng (làng Cát Mao) làm Chủ tịch đầu tiên, cùng các đồng chí cán bộ cốt cán lãnh đạo như đồng chí Đặng Văn Bôi, Nguyễn Văn Sinh, Lê Trí Khoát, Nguyễn Văn Cần.

Đầu năm 1947, thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy Hoằng Hóa về việc ghép các xã trong huyện thành 12 xã lớn phục vụ yêu cầu mới của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp, các làng của xã Hoằng Cát, cùng các làng của Hoằng Xuyên, Hoằng Khê (cũ) lập thành xã Mỹ Xuyên, sau gọi là xã Hoằng Xuyên (lớn). Cùng với việc thành lập đơn vị hành chính, Chi bộ Đảng của xã cũng từng bước được thành lập và không ngừng phát triển. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy Hoằng Hóa, ngày 28/4/1947, Chi bộ đảng xã Mỹ Xuyên được thành lập lấy tên là Chi bộ Hóc Môn, do đồng chí Đặng Bình Phụ làm Bí thư Chi bộ.

Tháng 7 năm 1953 thực hiện chủ trương cải cách đơn vị hành chính, được sự chỉ đạo của Ủy ban hành chính huyện Hoằng Hóa, xã Hoằng Xuyên được chia thành 3 xã là Hoằng Xuyên, Hoằng Cát, Hoằng Khê. Lúc này các làng Cát Trung, Cát Thôn, Cát Mao và Phú Mao xã Hoằng Cát.

 Cùng với việc chia tách đơn vị hành chính Chi bộ đảng Hóc Môn cũng được chỉ đạo chia thành 3 chi bộ. Tháng 8//1953, Chi bộ xã Hoằng Cát tiến hành đại hội lần thứ nhất bầu Ban Chấp hành và đồng chí Đặng Văn Cộng được bầu làm Bí thư Chi bộ đầu tiên với 156 đảng viên. Như vậy, từ đây mọi phong trào cách mạng của xã Hoằng Cát được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của chi bộ đảng, là mốc son đánh dấu sự ra đời, phát triển của Đảng bộ xã nhà.

Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, nhân dân Hoằng Cát đã thực sự được hưởng một cuộc sống tự do trong một nước độc lập, dưới chế độ dân chủ. Hoằng Cát cũng như các làng quê khác của Hoằng Hóa, từ vùng đất nghèo khó và những thân phận nô lệ đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đoàn kết nhất tề đứng lên đấu tranh giành lại nền độc lập tự do cho quê hương, đất nước. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Mặt trận Việt Minh đã vận động đông đảo quần chúng tích cực tham gia tuần lễ vàng, tuần lễ đồng, công trái kháng chiến, hũ gạo nuôi quân, lập làng kháng chiến, tăng gia sản xuất, chống đói, chống nạn mù chữ, chống giặc ngoại xâm… được phát động thành phong trào quần chúng mạnh mẽ và rộng khắp. Từ khí thế sôi sục của phong trào cách mạng trên đã làm tiền đề và tạo cơ sở để tổ chức Đảng ở địa phương ra đời. Trong sự đóng góp của quảng đại quần chúng lao khổ trong các làng xã, Hoằng Cát đã vinh dự, tự hào có những cá nhân, gia đình đã cống hiến vật lực, tài trí (toàn xã quyên góp được 7 chỉ vàng và 217kg đồng, trong đó tiêu biểu chị Phạm Thị Du người làng Cát).

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946- 1954), xã nhà đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ đóng góp cao nhất sức người, sức của cho cuộc kháng chiến: hàng trăm người đã hăng hái xung phong vào bộ đội, thanh niên xung phong, dân quân du kích. Hàng nghìn lượt người tham gia 15 đợt dân công bộ và xe đạp thồ đi phục vụ các chiến dịch Hòa Bình, Hà Nam Ninh, Thượng Lào… và chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ với 1.251 lượt người tham gia. Thực hiện tốt các phong trào rào làng kháng chiến, đắp hàng ngàn mét giao thông hào, hàng trăm hầm cá nhân; góp phần bảo vệ vùng trọng điểm cầu Tào của huyện; cùng với đóng góp sức người, xã đã đóng góp cao nhất sức của cho tiền tuyến. 11 người đã anh dũng hy sinh, hàng trăm thương binh đã góp một phần xương máu vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Từ sau năm 1954, hoà bình lập lại ở Miền Bắc, chi bộ thực hiện lãnh đạo 2 nhiệm vụ chiến lược lúc bấy giờ là xây dựng CNXH ở Miền Bắc và đấu tranh giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước. Tập trung vào cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, thực hiện cải cách ruộng đất người cày có ruộng, vận động nhân dân đi vào làm ăn tập thể, ban đầu là các tổ đổi công quy mô thôn, xóm về sau đã phát triển thành các hợp tác xã nông nghiệp xóm, liên xóm và hợp tác xã bậc cao toàn xã.

Với sự lớn mạnh không ngừng, thực hiện chủ trương của Đảng, tháng 10 năm 1960 Huyện ủy Hoằng Hóa đã ra quyết định chuyển Chi bộ xã Hoằng Cát thành Đảng bộ xã Hoằng Cát, với 05 chi bộ, gồm: Cát Trung, Hà Bao, Ba Đình, Nam Thọ, Đức Thành toàn Đảng bộ đã có tới 181 đảng viên. Đây là sự kiện đánh dấu bước trưởng thành của Đảng bộ về tư tưởng chính trị và tổ chức, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo của Nhân dân xã nhà trong giai đoạn cách mạng mới.

Thực hiện nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội trên quê hương miền Bắc, từ năm 1958 đến năm 1961, việc cải tạo nông nghiệp theo hình thức hợp tác xã bậc thấp ở Hoằng Cát đã hoàn thành với 13 HTX được thành lập đi vào hoạt động. Năm 1962, từ 13 HTX nông nghiệp bậc thấp quy mô xóm của xã đã được chuyển thành 05 HTX nông nghiệp bậc cao quy mô làng, gồm: HTX Nam Giang, HTX Nhị Hà, HTX Ba Đình, HTX Nam Thọ và HTX Đức Thành..

Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng vùng kinh tế mới, sau khi được quán triệt, học tập thấm nhuần chủ trương, chính sách của Đảng, liên hệ với thực tiễn bình quân ruộng đất của địa phương, ngay từ những năm 1962, các hợp tác xã có 60 hộ gia đình tình nguyện đi đợt đầu thì có 23 hộ gia đình đảng viên cùng đi để thành lập một chi bộ mới tại làng Cát Thịnh, xã Yên Thọ, huyện Như Xuân. Trong phong trào này có sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nên hầu hết số người đi trên đã yên tâm sản xuất, chiến đấu, công tác ở quê hương mới. Trong đó phải kể đến đồng chí Đặng Văn Chi- Đảng ủy viên. Năm 1976 xã tiếp tục xây dựng thêm khu định cư ở xã Thành Tân, huyện Thạch Thành có hơn 140 hộ  với 700 nhân khẩu tham gia, tạo lập làng mới gọi là làng Cát Thành, chi bộ Cát Thành cũng thành lập với 15 đảng viên.

Trong hơn 20 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), với vị trí chiến xung yếu: là cửa ngõ phía Bắc huyện, gần Quốc lộ 1A kề các trọng điểm cầu Tào là một trong những tọa độ lửa “bắc Nghĩa Trang, nam Hàm Rồng” đánh phá của không quân địch, quân dân Hoằng Cát đã dũng cảm, kiên cường phát huy truyền thống cách mạng, vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của máy bay Mỹ, vừa thực hiện nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội, ra sức chi viện cho miền Nam trong điều kiện chiến tranh phá hoại của giặc rất khốc liệt, Đảng bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả công tác đảm bảo an toàn cơ bản tính mạng và tài sản của các tầng lớp nhân dân; tập trung đẩy mạnh 3 cuộc cách mạng trong đó cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt: xây dựng củng cố và phát triển HTX, đưa năng suất nông nghiệp quân bình năm ở thời kỳ này từ 5 tấn /ha/năm năm 1967 lên 7 tấn/ha/năm năm 1969, góp phần làm tăng sản lượng nông nghiệp. Ngoài chi viện một lực lượng lớn sức người, việc chi viện lương thực, thực phẩm cho chiến trường cũng tăng. 

Xứng đáng với công lao trên, Đảng bộ và Nhân dân xã nhà đã được Ủy ban hành chính cùng các ngành từ huyện đến Trung ương tng trên 20 bằng khen về thành tích các mặt, 111 gia đình được Chính phủ cấp bằng "Tổ quốc ghi công", 4 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trên 300 cá nhân được tặng thưởng bằng khen của huyện và tỉnh về từng mặt hoạt động xuất sắc ở thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Đó là những phần thưởng cao quý về phong trào yêu nước, cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã nhà, góp phần xây nên bề dày truyền thng cách mạng trên quê hương, là niềm tự hào và hành trang để Hoằng Cát bước vào thời kỳ hòa bình, thống nhất Tổ quốc.

           Kính thưa:   - Các quý vị đại biểu!

- Các đ/c cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã!

Bước vào thời kỳ hòa bình, cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội (1975 đến nay), nhất là sau hơn 30 năm bắt tay xây dựng quê hương theo đường lối đổi mới toàn diện, hơn 20 năm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, theo đường lối chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam, quê hương Hoằng Cát có nhiều khởi sắc, theo hướng giàu đẹp, văn minh hơn. Từ một địa phương nghèo nàn, lạc hậu trên 95% dân số mù chữ vào trước Cách mạng tháng 8 năm 1945 đến nay 100% trẻ em trong độ tuổi được phổ cập giáo dục, cơ sở vật chất trường, trạm đều đạt chuẩn quốc gia, công tác y tế xã luôn được quan tâm. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 1%, 100% hộ được dùng điện và nước hợp vệ sinh; 100% hộ có phương tiện nghe nhìn, cơ sở phúc lợi xã hội được đầu tư khang trang, thuận tiện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đã được nâng lên rõ rệt. Các thôn, làng văn hóa, cơ quan văn hóa đều được ban hành các hương ước, quy ước để hoạt động, nhiệm vụ quốc phòng an ninh luôn được chú trọng tăng cường và đảm bảo, khối đại đoàn kết toàn dân ngày một được tăng cường tạo nên sức mạnh tổng hợp, Đảng bộ các tổ chức trong hệ thống chính trị luôn đạt đơn vị trong sạch, vững mạnh đã và đang từng ngày góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương đất nước thêm tươi đẹp và giàu mạnh hơn.

Năm 2019 đã hoàn thành xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới và tiếp tục  lãnh, chỉ đạo nhiệm vụ xây dựng thôn kiểu mẫu, tập trung chỉnh trang  hệ thống đường giao thông xã, đường thôn ngõ xóm, rãnh thoát nước, lát vẻ hè , đầu tư trường lớp. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 99, 89, đề án 1089 của UBND huyện Hoằng Hóa, xây dựng x㠓Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”, Năm 2021 thôn Ba Đình hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Với những kết quả trên đã làm cho diện mạo nông thôn của Hoằng Cát thay đổi, và đang ra sức thực hiện xây dựng Hoằng Cát sớm trở thành xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2025, một tương lai mới đang mở ra trên quê hương Hoằng Cát trên con đường hội nhập với cả nước và thế giới.

Kính thưa toàn thể các đồng chí

70 năm qua, Đảng bộ luôn xác định và quán triệt sâu sắc phương châm lãnh đạo chỉ đạo phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm “xây dựng Đảng là then chốt”, Chi bộ - Đảng bộ xã luôn đặc biệt chú trọng đến xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Lúc đầu chi bộ mới thành lập có 156 Đảng viên trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành từ một chi bộ đã phát triển thành Đảng bộ với gần 300 đảng viên và trải qua 28 kỳ Đại hội. Đội ngũ đảng viên không chỉ tăng về số lượng mà trình độ chính trị, chuyên môn ngày càng được nâng cao, nỗ lực phấn đầu hoàn thành mọi nhiệm vụ cách mạng. Tổ chức quán triệt, học tập thực hiện một cách nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về xây dựng đảng và hệ thống chính trị nhất là Nghị quyết TW 4 (khóa XI); Nghị quyết TW 4 (khóa XII), Nghị quyết TW 4 (Khóa XIII) của Đảng; Chỉ thị số 05 – CT/TW ngày 15/5/2016 của BCT-BCH TW khóa 12 về học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng luôn thực hiện nghiêm túc đúng theo Quy định và hướng dẫn của cấp trên nên đã phát huy được sức mạnh, trí tuệ tập thể; đấu tranh loại bỏ những nhận thức, hành động lệch lạc, sai trái, coi trọng việc giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng và xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương luôn trong sạch vững mạnh.

Kính thưa toàn thể các đồng chí và các quý vị đại biểu !

Nhìn chặng đường 70 năm xây dựng và trưởng thành, lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đến cách mạng xã hội chủ nghĩa chúng ta đã rút ra một số bài học quý báu:

Một là: Chăm lo xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Coi đây là nhiệm vụ then chốt, thường xuyên, quyết định đến thành bại của cách mạng. Trên tinh thần Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và điều kiện thực tế của địa phương, Đảng bộ xã đã đề ra đường lối đúng đắn, đáp ứng với yêu cầu của từng thời kỳ lịch sử. Đồng thời, Đảng ủy đã tăng cường công tác giáo dục chủ Nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đến toàn thể cán bộ, đảng viên, từ đó tiếp tục trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng. Thực tiễn cho thấy công tác cán bộ là then chốt của mọi then chốt. Do đó, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục nâng cao về bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên không ngừng trau dồi, rèn luyện về tư cách đạo đức, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; gần dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Từ đó, tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh to lớn từ nhân dân phục vụ cho quá trình xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Hai là: Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Trên tình thần đó, cụ thể hóa phù hợp với thực tiễn của địa phương để tổ chức thực hiện và đưa chủ trương đi vào cuộc sống của người dân.

Ba là: Không ngừng xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; giữ vững sự đoàn kết trong Đảng bộ, chi bộ; khơi dậy và phát huy sức mạnh của đông đảo nhân dân. Đoàn kết thống nhất trong đảng là tiền đề quan trọng để có đoàn kết thống nhất trong nhân dân, với phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”; “Thành công, thành công, đại thành công”.

Bốn là: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân. Chính quyền không ngừng tự đổi mới về cách quản lý, điều hành trong đó chú trọng phát huy quyền làm chủ của nhân dân theo Luật thực hiện Dân chủ ở cơ sở. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thường xuyên đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, đưa các phong trào, cuộc vận động đi vào nề nếp và ngày càng thu hút đông đảo hội viên, đoàn viên tham gia vào tổ chức hội.

“Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm”!

“Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”!

Xin kính chúc các quý vị đại biểu, các vị khách quý, các đồng chí và toàn thể nhân dân xã nhà sức khỏe, hạnh phúc và thành công!       

    Xin trân trọng cảm ơn!

                                                         BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ XÃ

  
Kết quả giải quyết TTHC
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
549851